Cách Xử Lý Những Tình Huống Bất Ngờ Khi Lái Ôtô

Trong khi lái xe, việc đối mặt các tình huống sự cố khi tham gia giao thông là điều khó có thể tránh khỏi. Vậy bạn đã có kinh nghiệm xử lý những tình huống sự cố này chưa, hôm nay GPEH sẽ hướng dẫn cũng như chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm đó.

Cách xử lý các tình huống bất ngờ khi lái xe ô tô

Mất phanh

  • Đây là tình huống nguy hiểm vì nếu không bình tĩnh tài xế có thể khiến xe đâm vào xe khác hoặc vách núi. Đầu tiên, điều quan trọng nhất là tài xế phải giữ bình tĩnh để có thể nghĩ ra cách đối phó.
  • Giảm tốc bằng cách nhả chân ga, thử chân phanh bằng cách đạp nhả liên tục một vài lần, có thể phục hồi phanh do hệ thống dầu mất áp suất hoặc bó cứng.
  • Nếu thử chân phanh không hiệu quả, lập tức chuyển sang phanh động cơ kết hợp phanh tay. Phanh động cơ tức dùng số, lần lượt chuyển về các số thấp hơn. Với xe số tự động, chuyển cần số về D3, rồi D2, D1 tương ứng để động cơ hãm xe lại từ từ. Trên một số xe có thể là chế độ số tay M (+,-) hoặc số thể thao S (+,-), với kiểu ký hiệu này thì chuyển về (-) đến số thấp.
  • Bên cạnh đưa cần số về số thấp, tài xế kéo từ từ phanh tay để cảm nhận độ bám. Không giật mạnh phanh tay bởi xe đang chạy nhanh, mà phanh tay chỉ tác dụng vào hai phanh sau, có thể khiến xe khóa bánh, mất lái. Nếu sau khi kéo phanh tay mà xe có cảm giác trượt, mất lái, lập tức hạ phanh tay để lấy lái.
  • Tài xế không được tắt máy vì như thế sẽ mất hết những trợ lực, tăng quán tính xe trôi càng nhanh. Cuối cùng nếu đường quá dốc hoặc đông, hãy tìm vật cản đâm vào, vật cản mềm như bụi cây càng tốt để giảm chấn thương.

Vô lăng điều khiển khó khăn

  • Khi đang chạy xe, nếu thấy vô lăng khó điều khiển hãy nhanh chóng xi nhan, đỗ xe vào lề đường để kiểm tra dây đai của bơm dầu trợ lực tay lái có bị hỏng, đứt hay không? Nếu như vô lăng không thể điều khiển, hãy giữ bình tĩnh, bật cảnh báo nguy hiểm, giảm số, giảm ga bấm còi, ra hiệu bằng tay… và phanh lại.

Tăng tốc đột ngột

  • Sự cố này có biểu hiện giống như kẹt ga, nhưng ở đây nguyên nhân không phải do lỗi kỹ thuật từ động cơ mà do chủ quan từ người lái khi sử dụng chân ga. Nhiều người thường hoảng loạn khi gặp bất ngờ trên đường và đạp chân ga nhưng vẫn nghĩ đó là chân phanh, nhất là với những người sử dụng số tự động.
  • Để khắc phục hiện tượng này cần cố gắng làm quen xe, không đi nhanh với xe lạ và các bước cũng như với kẹt ga nếu vẫn nhầm lẫn.

Lái xe trong trời mưa bão

Việt Nam đang bước vào tháng 7 âm lịch là tháng mưa ngâu, những cơn mưa xối xả có thể ập đến bất cứ lúc nào. Hãy áp dụng những lời khuyên dưới đây để lái xe an toàn trong mùa mưa:

  • Lái xe với tốc độ chậm: Khi trời mưa, mặt đường trở nên trơn trượt hơn, tầm nhìn cũng bị hạn chế, bạn nên lái xe chậm và quan sát cẩn thận;
  • Giữ khoảng cách giữa các xe: Duy trì khoảng cách an toàn với các xe đi trước để đảm bảo an toàn;
  • Quan sát và đi theo xe trước: Cố gắng quan sát đường vết bánh xe trước để tránh các bất trắc mà xe trước đã gặp phải;
  • Bật đèn cos hoặc đèn sương mù: Điều này giúp bạn quan sát tốt hơn và giúp các xe khác nhìn thấy bạn. Tuyệt đối không được bật đèn pha ở những nơi đông xe, trong khu dân cư;
  • Cẩn trọng khi lái xe qua vùng ngập nước: Không được lái xe qua vùng ngập nước khi nước đã ngập quá nửa lốp xe;
  • Tránh xe đi ngược chiều: 2 xe đi ngược chiều có thể sẽ hất nước ngược lên khoang động cơ, nước có nguy cơ tràn vào động cơ và khe hút gió, gây thủy kích, phá buồng máy.
  • Tuyệt đối không khởi động lại động cơ nếu xe bị chết máy: Hãy đóng cửa xe và gọi cứu hộ để đưa xe ra vùng ngập nước an toàn.

Xe có mùi và khói bốc lên từ nắp capo

  • Tình huống này xảy ra có thể là do nước làm mát chảy vào động cơ hoặc do cổ xả của động cơ bị dầu xâm nhập. Nếu bạn có thể kiểm tra và thấy đúng là một trong hai lý do trên, bạn có thể tự điều khiển cho xe chạy tiếp về gara. Nếu không phải, bạn nên cho xe dừng khẩn cấp và gọi cứu hộ.

Ắc-quy hết điện, không khởi động được máy

  • Nếu trường hợp này xảy ra trên xe số sàn, khi ắc quy vẫn còn một chút năng lượng và xe đang đỗ ở trên dốc xuống thì có thể lợi dụng dốc để khởi động máy. Cài số rồi đạp côn cho xe trôi tự do, rồi khi xe đã có đà thì nhả côn. Nếu ắc quy đã hết sạch năng lượng, hoặc xe số tự động thì nhất thiết phải có ứng cứu từ bên ngoài. Lúc này, dây câu sẽ phát huy tác dụng nếu có xe khác hỗ trợ.

 

Trên đây là một số kinh nghiệm xử lý những tình huống bất ngờ khi lái xe ô tô, trung tâm GPEH gửi đến bạn đọc để giúp độc giả của trung tâm được an toàn hơn trên mọi nẻo đường.

Bài viết liên quan

BẠN ĐANG CẦN HỖ TRỢ VỀ TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỔNG HỢP TP.HCM | Dạy Học Lái Xe Các Hạng

Điền ngay thông tin bên dưới để được hỗ trợ ngay lập tức: